Diablo IV nhìn chung cộng đồng hâm mộ những tác phẩm của Blizzard Entertainment đang có những phản hồi vô cùng tích cực. Từ các nhà phê bình, đánh giá game, cho tới chính bản thân những người chơi bỏ tiền đặt mua trước trò chơi này, được trải nghiệm từ hôm 17 đến 19/3 vừa rồi cũng đều cho rằng Diablo IV, dù chưa hoàn hảo, nhưng thực sự rất có tiềm năng.

 

Đầu tiên và quan trọng nhất, là đối thủ, là trùm cuối của anh em trong tác phẩm này. Lilith (của thế giới Diablo) thực tế đã hiện diện hoặc được nhắc tới trong những bản game trước đây, và cũng là một trong số những nhân vật tạo ra nhiều tác động nhất. Cũng phải thôi vì khi là người mẹ tạo ra chính chủng tộc Nephalem lai giữa thiên thần và ác quỷ, thì sự tồn tại của Lilith cũng chính là thứ tạo ra cốt truyện cho toàn bộ series Diablo. Nhưng phần IV là lần đầu tiên nhân vật của anh em được thật sự đối mặt với Lilith.

Điểm xuất sắc của Diablo IV, chí ít là ở đoạn mở đầu, chính là cách Blizzard mô tả mức độ nguy hiểm của Lilith. Câu chuyện “lòng mẹ thương các con” dẫn đến việc Lilith sẵn sàng gây chiến từ địa ngục lên thiên đường, hay nói cách khác là mức độ nguy hiểm và tầm quan trọng của nhân vật này đã được khắc họa tương đối rõ ràng.

 

Về mặt gameplay, phiên bản Open Beta chỉ cho anh em cày lên level 25, sang phiên bản chính thức phát hành trong tháng 6 mới kéo level cap lên 100, và mọi nhân vật sẽ bị xóa trước khi phiên bản chính thức được ra mắt. Bản thân chế độ thử nghiệm của Diablo IV cũng chỉ cho anh em thưởng thức Act 1, bên trong khu vực Fractured Peaks, chơi đâu đó khoảng 5 giờ đồng hồ là xong.

Ở một chừng mực nhất định, trải nghiệm chơi Diablo vẫn giống hệt như những gì anh em có thể kỳ vọng ở tác phẩm mới trong series được mệnh danh là định hình thể loại game nhập vai hành động cổ điển. Cách chơi khá giống Diablo III, và những anh em đang chơi quen bản Diablo II Resurrection cũng sẽ phải học theo những đổi mới mà Diablo III và IV ứng dụng giúp game trở nên hợp thời.

Tinhte_Diablo4.jpg

Nhưng hệ thống mới vẫn không quá xa rời so với cấu trúc cũ, vừa tạo ra cảm giác quen thuộc, vừa đắp thêm một tầng gameplay tạo ra cảm giác mới mẻ. Thứ đơn giản mà tạo ra sự đổi mới nhất chính là khả năng tránh né đòn cho mọi lớp nhân vật. Cái này thời Diablo III chỉ có vài nhân vật mới sở hữu chiêu riêng. Nhờ đó, trải nghiệm chơi của Diablo IV phần nào bớt đi sự ì ạch, thay vào đó là tương đối năng động, đôi khi còn hơi điên cuồng nữa. Cũng nhờ tính năng né đòn mà mỗi màn chiến đấu của Diablo IV cũng được thiết kế theo cách khác biệt.

Cộng với thay đổi đó, là số lượng đối thủ trở nên đa dạng hơn so với Act I của Diablo III. Dù phải đánh chay tới level 7 mới có những kỹ năng đầu tiên, nhưng một khi được tiếp cận, những kỹ năng ấy đều được thiết kế rất ổn, kèm thêm animation rất mượt nữa. Nhờ đó, mỗi lần chiến đấu trong Diablo IV, mức độ đã tay và đã mắt là tương đồng. Nó tạo ra sự tương phản giữa cách thiết kế hình ảnh đen tối và ảm đạm, rất khác so với Diablo III.

Tinhte_Diablo1.jpg

Phiên bản Open Beta của Diablo IV chỉ cho anh em chơi ba lớp nhân vật: Barbarian, Sorcerer và Rogue. Hai lớp nhân vật Necromancer và Druid hiện tại chưa xuất hiện, dự kiến bản chính thức mới có. Khác biệt về kỹ năng và cách chơi ba lớp nhân vật này đủ để tạo ra trải nghiệm khác nhau, kích thích anh em thử qua cả ba. Barbarian nói chung không khác nhiều so với lớp nhân vật đã xuất hiện trên Diablo III, ăn đòn nhiều thì tăng thanh Fury để dùng kỹ năng rất khỏe.

Sorcerer vẫn tạo ra những chiêu thức hạ gục đối thủ từ xa, khi chúng bị hút vào vị trí Barbarian. Còn Rogue thì vẫn là thanh niên tạo DPS sát thương khủng cho cả nhóm, với những món vũ khí tầm xa. Thứ quan trọng nhất của Diablo, đó là mỗi lớp nhân vật lại cho anh em thử nghiệm những phong cách build vật phẩm và chỉ số khác nhau vẫn còn đó. Đấy mới chính là yếu tố khiến mọi người ở lại với Diablo, trong hành trình tìm ra build khỏe nhất cho nhân vật của mình.

Nội trong phiên bản Open Beta, kết hợp giữa các lớp nhân vật và hệ thống kỹ năng là cuốn sách mang tên Codex of Powers, mở khóa những chỉ số mới để anh em ứng dụng, từ đó tạo ra nhân vật với những chỉ số phù hợp nhất với từng cách đánh. Codex of Powers được mở từ khá sớm, tạo ra sự tự do trong quá trình xây dựng nhân vật, chí ít là cho tới khi hệ thống Paragon như Diablo III được cập nhật vào phần IV.

Diablo III dễ chơi, dễ tiếp cận, nhưng điều phải đánh đổi chính là việc tinh giản hóa quá trình lên cấp và phát triển chỉ số nhân vật. May mắn là Blizzard đã lắng nghe những phản hồi này từ cộng đồng gamer.

Tinhte_Diablo2.jpg
Tinhte_Diablo3.jpg

Nhưng ở khía cạnh công bằng, kể cả khi kết hợp vật phẩm, chỉ số nhân vật với Codex of Power, thì mức độ tự do trong từng bộ build nhân vật không thể nào ấn tượng và đa dạng được như Path of Exile, đối thủ lớn nhất của chính Diablo ở thời điểm hiện tại.

Một yếu tố khác vẫn chưa được cộng đồng đánh giá cao ở Diablo IV bản Open Beta chính là kết cấu dungeon cho anh em đi farm quái kiếm đồ. Lấy ví dụ anh em bỏ lỡ một căn phòng, ở đó là một cái chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa kế tiếp. Cách duy nhất là bò ngược trở lại chỗ đã bỏ lỡ, tạo ra những giây phút có phần nhàm chán khi chỉ có đi bộ, click chuột để nhân vật di chuyển, vì quái thì đã đánh xong hết rồi. Bực hơn là nếu có hai cửa, thì phải mở từng cửa một, cửa sau phải quay lại chỗ cũ nhặt chìa, không cầm một lúc hai chìa được.Tinhte_Diablo6.jpg

Thêm nữa, bản thân kết cấu của từng dungeon cũng chỉ khác nhau về mặt cảm quan đồ họa, chứ mức độ đa dạng hay tính ngẫu nhiên đều chưa thực sự khiến cộng đồng ấn tượng. Yếu tố thứ ba mà những dungeon chưa khai thác tốt ở bản thử nghiệm là chiều sâu. Dungeon hầu hết chỉ được khai thác theo bề ngang chứ hiếm khi thấy có thang leo lên leo xuống.

Còn ở mặt tổng thể, thứ quan trọng bậc nhất của thế giới ảo chính là việc lần đầu tiên chúng ta có một phiên bản Diablo thế giới mở. Cảm giác khám phá Fractured Peaks rất đã, không bị phân mảnh như những phần trước. Kết hợp với thế giới mở là mật độ nội dung, quái vật và những thứ cho anh em khám phá, bao gồm cả những sự kiện bất ngờ diễn ra, hệt như những game MMORPG hiện tại. Tính năng này cho phép yếu tố online của Diablo IV được khai thác ở khía cạnh tích cực nhất có thể, khi người chơi được khuyến khích tụ hợp lại với nhau để cùng chiến đấu, vừa vui vừa bớt đi phần nào cảm giác cô quạnh.

Tinhte_Diablo.jpg

Thêm bạn thêm vui cũng là điều tốt, vì điểm cộng rất lớn khác của Diavlo IV chính là bầu không khí và cách Blizzard ứng dụng phong cách mỹ thuật cho game. Thay vì sáng trưng và hơi hoạt hình như phần III, Diablo IV tăm tối và có phảng phất chút kinh dị, đúng phong cách của Diablo II. Chênh lệch giữa phim cắt cảnh và gameplay không còn quá lớn như phần III nữa, mà trái lại cả hai yếu tố này kết hợp lại, tạo ra cảm giác tổng thể rất hợp tông khi mô tả cuộc chiến giữa thiên đường và địa ngục, cùng những tác động của tộc nephalem trong cuộc chiến ấy.

Tổng hợp lại, cũng vì đợi tới tháng 6 là quá lâu để được tận tay trải nghiệm Diablo IV, nên Open Beta là giai đoạn vừa để Blizzard chiều chuộng những fan trung thành, vừa tổng hợp ý kiến của người chơi để tinh chỉnh game trước ngày ra mắt, và quan trọng nhất là cân đong đo đếm sức mạnh phục vụ cộng đồng của hệ thống máy chủ. Tạm bỏ qua những vấn đề còn tồn đọng được mô tả ở trên, hay chính bản thân tình trạng phải xếp hàng chờ đến lượt vào máy chủ chơi Open Beta, thì Diablo IV đang tạo ra những cảm nhận tích cực, với những thay đổi vừa lạ vừa quen đủ ấn tượng để chiều chuộng những fan trung thành nhất.

Tinhte_Diablo7.jpg

Bản Open Beta có thời lượng không dài, nhưng những nội dung lẫn cách xây dựng từng lớp nhân vật là đủ sâu để anh em chơi đi chơi lại trong suốt mấy ngày vừa rồi, thử hết build này đến build khác, hay thử đủ cả ba lớp nhân vật để tìm ra lựa chọn hợp gu nhất. Cũng cần nhắc anh em, Diablo IV sẽ có giai đoạn 2 của Open Beta, mở tự do cho những người chưa đặt mua trước game, từ 24 tới 27/3 tới.

Diablo 4 sẽ ra mắt vào ngày 6 tháng 6 năm 2023  đồng thời trên PC, PlayStation 4, PlayStation 5, Xbox One và Xbox Series X. Phiên bản tiêu chuẩn của trò chơi sẽ có giá 70$, trong khi phiên bản Ultimate sẽ có giá 100$. Tùy theo mỗi phiên bản, Blizzard sẽ cung cấp các quyền lợi khác nhau cho người chơi, trong đó bao gồm cả quyền truy cập sớm trước vài ngày cùng những phần thưởng cực kỳ hấp dẫn.